– Em là Mi? – Anh cúi nhìn vào khuôn mặt tôi khi tôi đang ngồi ở căn tin dưới công ty – Mi lớp A.M khóa 33 phải không?
– Là em.
– Nhớ anh không?
Tôi dừng tay, tôi tự hỏi mình ” nhớ anh không?” suốt mấy năm trời đằng đẵng, trái tim tôi không có chỗ cho một ai chen vào, cũng vì lí do này.
– Anh là Kiên. Em nhớ mà!
– Anh nghe nói em du học ở Mỹ về được tuyển thẳng vô làm cố vấn. Ngưỡng mộ ghê, sau này chiếu cố anh nhé!
– Mấy năm qua, anh thế nào?
Câu hỏi chợt bật khỏi môi, tôi cố nuốt khan mẩu bánh mì xuống cổ họng, nghẹn lại, vội vã mở chai nước uống ừng ực. Giữa chúng tôi đột nhiên tồn tại một khoảng lặng, khoảng lặng để bộc lộ nội tâm không rõ ràng. Thân thiết cũng không phải, xa lạ cũng không, chúng tôi là hai con đường song song, tôi luôn nhìn thấy anh, anh luôn nhìn thấy tôi, nhưng chẳng thể hiểu cả hai đang suy nghĩ hay xảy ra chuyện gì.
– Anh ra trường, thất nghiệp vài năm, rồi mới xin vào đây được gần năm rồi.
– À dạ…
– Thôi, em ăn trưa đi. Anh không phiền em nữa, Mi nhé!
Tôi nhìn theo cái dáng cao ráo của anh, so với lúc mới gặp anh, ngoại hình không khác gì mấy, nhưng thứ ẩn chứa bên trong chắc đã thay đổi rất rất rất nhiều. Tôi thấy được phía sau dáng lưng của anh, là những bước chân chông chênh mà xã hội đã vùi dập đau đớn đến dường nào.
Hai mươi lăm tuổi, tôi vẫn thích anh như hồi mười chín, nhưng không còn nhiệt thành đến mức muốn có được trái tim anh nữa. Tình cảm vẫn êm ả, vẫn thấy thương, vẫn muốn nhìn thấy mỗi ngày, nhưng không còn chút sức lực để thổ lộ thứ cảm tình chôn giấu bảy năm qua.
Tôi hiểu được một điều sau bảy năm đằng đẵng, đôi lúc từ chối một lời yêu để làm một người san sớt những buồn vui trong đời, còn tuyệt vời hơn là nắm lấy bàn tay nhau để rồi một lúc phải chia xa.
Mật độ thân thiết của chúng tôi tăng cao, cùng nhau ăn trưa, cuối tuần ngồi cùng nhau ở một quán cà phê, kể nhau nghe chuyện những năm quá khứ tươi đẹp. Anh cười khổ mỗi khi nhắc đến Ngọc, những ngày tháng thanh xuân anh đã dành hết cho một cô gái sẵn sàng buông tay anh để kết hôn với người đàn ông sự nghiệp đường hoàng thay vì cộng khổ với anh những ngày tháng thất nghiệp. Tôi ngước nhìn những bóng đèn treo trên cao của quán, vu vơ vài câu nói không suy nghĩ:
– Anh còn yêu chị ấy chứ?
Anh lại cười thay câu trả lời, ly cà phê anh quậy đến sủi bọt vẫn chưa dừng muỗng.
Ở độ tuổi này, chúng tôi nói về yêu đương như một loại gia vị, chứ không phải một thức ăn chính. Tôi chia sẻ với anh những năm tháng ở Mỹ của mình, thanh xuân của chúng tôi ngưng đọng dưới ánh vàng vọt của đèn đường, chúng tôi vừa đi bộ, vừa nghe những âm thanh cuộc sống về đêm, mùi hoa lạ phảng phất vào cánh mũi một hương thơm vô cùng dễ chịu.
Cuối năm, công ty chúng tôi tổ chức tất niên, mọi người trong phòng dân sự và ban quản trị quây quần với nhau tại một nhà hàng, xung quanh bàn tiệc lớn. Tôi và một số người nữa được chọn sang nước ngoài tu nghiệp học lên Tiến sĩ. Tiếng khui bia rộn rã, cứ men vào là độ cuồng nhiệt tăng lên, tôi quên mất bản thân không thể uống được quá nhiều. Tôi ngả người tựa vào ghế, thấy trời đất quay cuồng, đến bàn tay không thể bấm được số taxi, cũng không có chiếc taxi nào vào tầm giờ này ngoài nhà hàng nữa. Một cánh tay vịn lấy bờ vai tôi, tôi mơ màng nghe được bên tai tiếng nói kì diệu vô cùng:
– Về thôi, anh đưa em về.
May quá, ra vẫn còn có anh.
Tôi dựa mặt mình vào lưng anh, ngồi sau xe, vịn hờ vạt áo anh. Giây phút này tôi đã chờ đợi bảy năm, bảy năm chỉ mong muốn được gần anh như thế này, nghe được nhịp tim anh, nghe rõ từng hơi thở của anh. Lạ lùng, trong mỗi giấc mơ tôi thường mơ, đều có anh, cũng được gần anh thế này, nhưng không hiểu sao lại thấy đau lòng đến ngạt thở. Bây giờ, cũng đau lòng đến ngạt thở.
Chiếc xe dừng lại ở cổng nhà tôi, tôi lao đảo xuống xe, anh dìu tôi đến cửa, toan định bấm chuông nhưng bị tôi cản lại. Trong men, tôi lại nói những thứ ngớ ngẩn:
– Nhà anh vẫn trồng hoa giấy chứ?
– Vẫn còn. Vào nhà đi, lạnh rồi.
– Em thích hoa giấy ở cổng nhà anh lắm. Cũng như thích anh lắm.
Hai tiếng chuông cửa anh bấm đột ngột dừng lại, anh đăm đăm nhìn tôi, thật lâu, còn tôi mơ hồ không thấy rõ khuôn mặt anh vì hơi men choáng cả tâm trí, tôi lảo đảo bước qua cổng nhà, nhưng còn đủ lý trí để nghe anh nói, thật lớn, rõ ràng:
– Anh biết.
Khi tỉnh dậy, tôi nhận được một tin nhắn từ anh. Dài, càng đọc càng thấy đỏ bừng hai má.
“Anh đọc được lá thư vô danh trong hộp thư của đoàn trường. Em biết không? Anh có biệt tài nhận danh chữ viết vô cùng giỏi, liếc sơ qua là biết chữ của em, câu chuyện về chiếc áo sơ mi trắng cùng vết mực ở túi áo trái. Anh chợt nhận ra mình có chiếc áo lem mực như thế. Chuyện của anh và Ngọc kết thúc không lâu sau khi tốt nghiệp, khi anh đang trốn mình trên căn gác xép, gặm nhấm những cô đơn và tổn thương của mình, thì em xuất hiện, đứng dưới hàng rào và cố nói gì đó với những bông hoa giấy.Em biết không, thời gian đó chẳng ai muốn qua lại với anh cả, nhưng em đã đến tận cổng nhà anh, như cứu lại anh, cho anh biết đứng dậy sau chuỗi ngày ngụp lặn trong thất bại. Anh cố tìm em, nhưng vô ích, có người bạn cũ nói em đã sang nước ngoài và mất liên lạc. Ngay khi gặp lại em ở công ty, anh không tin trái đất tròn như thế, đi một vòng lớn, cuối cùng gặp lại em, ngay trước mắt, mỗi ngày đều có thể gặp em. À, nhân tiện, em muốn sang nhà anh thăm hoa giấy chứ? Anh đang chờ ở cổng nhà em.”
Tôi mở vội cửa, lao ra ban công nhìn xuống, một chàng trai đang kiên nhẫn ngồi trước cổng nhà tôi sáng sớm tinh mơ, hai tay xoa vào nhau như chờ đợi điều gì hệ trọng, ở trong giỏ xe anh, vương lại vài cánh hoa giấy mỏng manh, sắc đỏ và trắng pha lẫn vào nhau.
Tôi nhận ra, dù mười chín, hay hai mươi lăm, tình cảm của tôi vẫn chỉ đơn giản là những cánh hoa giấy rung rinh trong tâm trí.
The post Dù 19 hay 25… appeared first on .