ận Chi thì khoanh tay đứng nhìn từng cử động của Cốc Y Dương. Vào lúc này nếu tôi muốn nói chuyện với Cốc Y Dương thì khác nào tranh mồi với hổ? Sống mà cứ xuề xòa mãi thì sẽ không có nhiều cơ hội, tôi bèn nói: “Cốc Y Dương anh có thể sang phòng em được không? Có việc muốn bàn riêng với anh?” Lê Vận Chi ngoảnh sang nhìn tôi, ánh mắt cô vẫn hiền hòa, nhưng tôi biết, đôi khi ngọn roi, lưỡi dao cũng hiền hòa. Cô hỏi tôi: “Việc rất quan trọng à?” Cô nói giọng miền nam, tôi chưa từng hỏi cô quê ở tỉnh nào. Tôi nói: “Việc liên quan đến Thành Lộ mất tích.” Mặt Cốc Y Dương hơi biến sắc. Lê Vận Chi thì vẫn thế, giọng nói nhẹ nhàng nhưng lạnh lùng hơn. “Nếu là liên quan đến Thành Lộ thì sao không thể cho mọi người cùng biết?” “Vào đúng lúc cần thiết, tôi sẽ cho mọi người biết. Cốc Y Dương, anh rỗi chứ?” Hân Nghi đứng lên, nói: “Y Dương, nên đi đi.” Giản Tự Viễn cũng chạy ra từ lúc nào, nói: “Cậu và cô ấy ra trò chuyện đi, tôi sẽ tiếp các người đẹp ở đây.” Hân Nghi lè lưỡi dứ về phía anh ta, rồi lại tiếp tục xem xét các quầy tủ ở gian bếp. Cốc Y Dương nói: “Chuyện liên quan đến Thành Lộ mất tích, đương nhiên phải bàn bạc. Nếu đúng là có liên quan thì tôi sẽ nói với mọi người.” Rồi anh theo tôi sang phòng tôi và Hân Nghi. Những nét rắn rỏi tự tin thường ngày nhanh chóng biến mất khỏi khuôn mặt Cốc Y Dương. “Na Lan, anh không rõ em có hiểu rằng, người mà anh rất yêu…” “Thôi nào!” Tôi xua tay. “Chị Thành Lộ bỗng nhiên mất tích không để lại dấu vết, anh cho rằng vào lúc này em có thể quan tâm xem anh thích bông hoa nào à? Em trước hết muốn hỏi, có phải anh… gắn bó với Thành Lộ không?” Nhìn vẻ hoảng hốt trên nét mặt anh, tôi biết câu trả lời rành rọt sẽ là “có”. Nhưng anh lại đáp: “Nói bừa gì thế? Sao em lại nghi ngờ… anh và chị họ của em? Lẽ nào em không biết Thành Lộ là người rất đơn giản vô tư?” “Người đơn giản vô tư, chắc gì không bất chợt mất sai lầm? Vậy là anh chối cãi, giữa hai người không có điều gì bí mật chứ gì?” Cốc Y Dương trầm ngâm một lát, dần hiểu ra rằng tôi căn vặn không phải không có mục đích. Anh nói: “Chẳng lẽ em đã biết… anh và cô ấy… cô ấy kể với em hay sao? Anh đã dặn cô ấy… anh không tin rằng?” Tôi cười nhạt: “Anh đừng quên Thành Lộ là con người đơn giản vô tư.” “Em không hiểu rồi…” “Có gì mà khó hiểu? Đến Bắc Kinh không lâu, anh đã chấm dứt liên lạc với em, và gần như đồng thời anh bắt đầu bí mật gặp gỡ Thành Lộ!” Tôi bỗng nhớ ra, vừa nãy đã nói là không nói về chuyện giữa tôi và anh, nên tôi chuyển hướng: “Được, bây giờ hỏi anh câu thứ hai…” Cốc Y Dương hạ thấp giọng: “Khoan đã, câu thứ nhất chưa xong. Giữa anh và Thành Lộ rất trong sáng, giả thiết của em sai hoàn toàn! Đúng là bọn anh có gặp mặt nhưng không phải hẹn hò dan díu!” “Thế thì để làm gì?” Im lặng. Tôi đành trả lời hộ anh: “Xem ra, trước đây anh đã không muốn em biết chuyện, bây giờ anh cũng không muốn nói. Câu hỏi thứ hai: An Hiểu là ai?” Vẻ hoảng hốt trên mặt Cốc Y Dương còn rõ rệt hơn cả lúc nãy. Lúc này tôi thấy hơi phục “người ngoài hành tinh” Lê Vận Chi thể hiện rõ ham muốn chiếm hữu Cốc Y Dương nhưng cô vẫn nén lòng giữ kín. Hôm đó cô cho tôi biết An Hiểu nằm dưới mộ vốn là mối tình đầu của Cốc Y Dương, chứ không nói thêm gì nữa; cô nói, đó là chuyện riêng tư của Cốc Y Dương, tôi có thể cứ hỏi anh ấy. Tôi bâng khuâng rời khu nghĩa trang, hai hôm sau đó tôi khổ sở vì nhức đầu nên không tìm cách hỏi anh nhưng lúc này thì phải hỏi. Cốc Y Dương trầm ngâm vài phút, rồi nói: “Được, anh trả lời. Và có lẽ trả lời các câu hỏi của em luôn thể.” Chương 19: Điềm Gở Ở Ngôi Nhà Đen Đúng thế, An Hiểu là mối tình đầu của anh. Hai người là đôi kim đồng ngọc nữ hiếm thấy của trường cấp III huyện, họ cùng là những học sinh xuất sắc nhất, có chung mục tiêu là thi vào đại học Giang Kinh danh tiếng ở xa cả ngàn cây số. Họ cùng theo đuổi một kết quả mỹ mãn. Rồi một đêm động, An Hiểu phát hiện ra cô bạn Thạch Vi treo cổ. Thạch Vi là bạn học rất thân của An Hiểu, họ cùng quê thị trấn Ngân Dư, hai gia đình ở sát vách nhau, về sau lại cùng học nội trú ở trường cấp II huyện, ở cùng ký túc xá, luôn cởi mở và không giấu nhau chuyện gì. Khi học lớp 12, An Hiểu cảm thấy Thạch Vi hơi khác lạ, cô chỉ nghĩ chắc là do áp lực của đợt thi đại học sắp tới, cô vài lần nói chuyện kỹ với bạn nhưng không có kết quả. Rồi một ngày trong dịp nghỉ đông, Thạch Vi mất tích. Cha mẹ Thạch Vi hoảng hốt, An Hiểu cũng rất lo lắng, cô đi tìm khắp vùng xung quanh, hỏi các thầy các bạn, rồi cô nghĩ đến ngôi nhà gỗ xám đen trên núi. Dịp nghỉ hè sau khi thi hết cấp III, An Hiểu và Thạch Vi phát hiện ra ngôi nhà này. Đó là kỳ nghỉ hè nhàn rỗi vô tư chưa từng có, hai cô gái định vào rừng “thám hiểm” một phen. Lúc sắp đi lại thấy sợ, nên An Hiểu bèn rủ Cốc Y Dương là bạn học từ hồi cấp II trên huyện cùng đi. Khi học lớp 6, Cốc Y Dương còn có biệt hiệu là “Ngố đen”, nhưng lên lớp 8 thì đã có vô số nữ sinh thầm mơ tưởng đến cậu, hoặc coi cậu là chuẩn mực của người chồng tương lại. Nhà Cốc Y Dương ở huyện lỵ khá xa, nhưng lời mời của hai người đẹp An Hiểu, Thạch Vi cuốn hút Cốc Y Dương đến thị trấn Ngân Dư đúng hẹn, để hộ giá hai nàng lên đường thám hiểm. Chính trong chuyến đi này họ đã phát hiện ra ngôi nhà gỗ đen mà truyền thuyết nói đến. Bên trong ngôi nhà treo tấm chăn chiên đen, đầy bụi bặm và gỗ mục, lỏng chỏng vài cái ghế gỗ, ngoài ra không có gì khác. Vật duy nhất khiến ba thanh niên tưởng tượng ra đủ thứ chuyện, là một chiếc đai da buộc thong ở xà ngang. Đai da ấy có vẻ cũ kỹ lâu năm, được thắt thành cái thòng lọng buộc lên xà ngang, mẩu đuôi thô nháp lởm chởm, hình như bị mài đứt hoặc bị vật nặng kéo đứt. Cả ba bắt đầu bàn tán tranh luận hồi lâu, sao lại buộc đai da ấy lên xà ngang, nó có tác dụng gì? Thạch Vi nói chắc nịch đã có người treo cổ ở đây. An Hiểu nói hình như chưa từng thấy ai ở thị trấn nói rằng trên này đã từng có người treo cổ; nhất là bà Phan chủ tiệm tạp hóa “Ngân Hâm”, người biết đủ thứ chuyện lớn nhỏ khắp vùng này, biết nhiều hơn cả mạng Baidu, ngay bà ấy còn không nhắc đến chứng tỏ chưa từng thấy chuyện treo cổ gì hết. Thạch Vi nói: “Nếu là chuyện cách đây mấy trăm năm, bà Phan còn chưa oe oe chào đời thì làm sao biết được? Huống chi, ngôi nhà trong rừng sâu này là chỗ các thợ đốn gỗ, thợ săn nghỉ chân, họ nay đây mai đó, phần lớn là người nơi khác về đây kiếm ăn, nội bộ có thù oán gì đó, thì bà Phan bán tạp hóa ở thị trấn làm sao biết được?” An Hiểu nói: “Thế thì đúng rồi, đai da này dùng để giết người. Đàn bà thường hay treo cổ, thợ đốn gỗ đều là nam giới khỏe mạnh, cậu nghĩ xem, đời nào họ lại bi quan để rồi tự treo cổ? Chắc là do cãi cọ đánh nhau hoặc chia chác không đều gì đó… Họ tranh chấp, hậu quả là có người bị treo cổ.” Cốc Y Dương nhân đó ngẫm nghĩ, bổ sung: “Chia chác không đều, khoogn phải là vấn đề của các thợ gỗ mà có thể là của các hưởng mã (1)! Bọn hưởng mã cát cứ ở ngôi nhà đen này, dùng đai da treo cổ đối thủ, có thể là do chia chác không đều; hoặc thậm chí chúng bắt cóc con tin rồi giết hại!” Cuối cùng anh chỉ tay vào đám tro than còn sót trên nền nhà, nói: “Nhưng khả năng lớn nhất là đai da dùng để treo