có thể được hưởng. Đến cửa phòng tôi và Hân Nghi, Cốc Y Dương mới mở miệng: “Anh có một cảm giác rất không hay.” Tôi nói. “Em cũng thế. Mất điện, mất thông tin, không giao thông, thiếu thực phẩm, nếu ai vẫn nghĩ là tốt thì quá vô tâm!” Cốc Y Dương cười chua chát, nói: “Anh nói thật nhé, chủ yếu là về tấm ảnh của Thành Lộ, thật là quái dị!” “Chắc La Lập Phàm đã làm cái chuyện vô duyên ấy. Tình cảm thì đã hết, anh ấy còn làm cái trò đó làm gì nữa?” Tôi hậm hực nói. Cốc Y Dương cúi đầu, một lát sau mới nói: “Lòng người luôn vô cùng phức tạp.” Phải! Tôi học chuyên ngành tâm lý, lẽ nào tôi không biết hay sao? Tôi dịu giọng nói: “Em không có ý nói bóng gió gì anh cả, thật thế.” Cốc Y Dương nói: “Anh biết, em xưa nay không như thế. Anh định nói là… giữa anh và Vận Chi…” Anh bỗng không biết nên nói tiếp ra sao. Tôi gượng cười: “Anh khỏi cần nói gì, giữa hai người là thế nào, chẳng liên can gì đến em. Thực ra gần nửa năm đã trôi qua…” Thời gian có thể làm lành tất cả, cũng có thể hủy diệt tất cả. Cốc Y Dương tỏ ra biết điều, nói tránh đi: “Lúc nãy anh nói thật lòng; anh đã làm một việc rất sai, là thuê căn nhà gỗ này. Cho nên dù Giản Tự Viễn nói mát anh kiểu gì anh cũng đành im lặng. Cảm ơn em đã nói đỡ cho anh.” Cốc Y Dương nhìn thẳng vào tôi, tôi muốn nhìn ánh mắt ấy nhưng lại sợ nhìn thấy nét ấm áp trong đó. “Em đã đỡ nhức đầu chưa?” Tôi định nói: Không nhức thêm nữa đã là may rồi. Nhưng tôi không muốn anh càng phải áy náy nặng nề hơn, bèn nói: “Em đỡ rồi?” Xưa nay tôi chưa từng bị nhức đầu thường xuyên hoặc thiên đầu thống, nhưng từ hôm vào ở ngôi nhà gỗ này thì tôi liên tục bị chóng mặt và nhức đầu. Không chỉ mình tôi là “người bị hại.” Cốc Y Dương vốn tự xưng là có thể tiêu hóa cả đất đá, vào ở được hai hôm thì bị “Tào Tháo đuổi”; Thành Lộ đang kém vui thì biến thành phiên bản mới của Lâm Đại Ngọc[1'>, suốt ngày nước mắt ngắn nước mắt dài; Giản Tự Viễn vốn hay soi mói thì biến thành gã rồ dại, có thể gào lên với bất cứ ai bất cứ chuyện gì; La Lập Phàm thì liên tục thở than bị mất ngủ; ngay Hân Nghi – nữ hoàng trượt tuyết như động cơ vĩnh cửu – đôi lúc cũng kêu mệt mỏi, không phải vì độ cao thiếu dưỡng khí gây khó thở, mà là có cảm giác chơi vơi mất hết sức lực. [1'> Nhân vật nữ, bi quan sầu não; trong Hồng Lâu Mộng, của Tào Tuyết Cần. Đủ thấy vào ngôi nhà gỗ này ở là một sai lầm rất lớn. Cốc Y Dương nói: “Trông em có vẻ nhợt nhạt, nên đi nghỉ đi!” Tôi gật đầu: “Em có cảm giác như lơ mơ chưa tỉnh ngủ. Em vào phòng chợp mắt một lát, mong sao lúc tỉnh dậy sẽ không có ai biến mất!” Chỉ là câu nói đùa vụng về, nào ngờ nó lại trở thành lời tiên đoán vụng về nhưng đáng sợ. Khi Cốc Y Dương đi rồi, thì Hân Nghi trở về phòng, cẩn thận xem lại dụng cụ trượt tuyết. Cô ấy vẫn quen làm thế, sau mỗi lần trượt tuyết đều chỉnh sửa dụng cụ. Tôi đi ngủ. Tiếng gió rít, tiếng bước chân lúc mạnh lúc nhẹ, tiếng đóng cửa của các phòng, tiếng thì thầm văng vẳng, tất cả trở thành một bản hợp xướng bát nháo, và càng không thể lấn át cơn nhức đầu, giúp tôi chợp mắt. Nằm trên giường, tôi chập chờn lúc mê lúc tỉnh, ác mộng kéo đến không dứt. Người phụ nữ tóc dài không nhìn thấy mặt, mặc áo ngủ của Thành Lộ đi đi lại lại; người ấy vén mái tóc lên, thì lại là khuôn mặt của Lê Vận Chi máu me bê bết! Sau đó là khuôn mặt của Cốc Y Dương, của La Lập Phàm, của Mục Hân Nghi… khuôn mặt của mọi người trong tấm ảnh chụp chung đều chỉ còn lại cái sọ, phía trên bộ quần áo trượt tuyết là cái đầu lâu và hai hốc mắt đen ngòm sâu hoắm. Nhưng chúng lại biết nói: “Đồ ăn! Sẽ chia đồ ăn còn lại ra sao?” Một giọng nam lí nhí, hơi thở hôi rình. Giản Tự Viễn! “Mọi người cùng bàn xem, nên chia đồ ăn còn lại như thế nào?” Chán thật, tôi nghĩ trong mơ. Đồ ăn đương nhiên quan trọng nhưng sinh tử ra sao còn quan trọng hơn. Tại sao phải lo lắng chuyện sinh tử nhỉ? À, nên nhớ đây chỉ là ngủ mê. Sao lại không lo chuyện sinh tử? Từ trên xà ngang buông xuống một mái tóc dài trùm kín mặt, nó đã che khuất tầm nhìn của tôi. Tầm nhìn của tôi? Tôi đang ở trên cao nhìn xuống “chúng sinh” nhưng không có cảm giác mình đang làm thượng đế. Tôi chỉ là một oan hồn bị chết treo mà thôi. Nhưng tôi có thể nhìn thấy tất cả dưới kia, có thể thấy rõ tâm can, ý đồ của mỗi người. Tôi nhìn thấy La Lập Phàm muốn rũ bỏ Thành Lộ như thế nào, nhìn thấy Lê Vận Chi sẽ ràng buộc Cốc Y Dương ra sao, nhìn thấy Giản Tự Viễn sẽ làm gì để mình trở thành người sống sót cuối cùng, nhìn thấy Mục Hân Nghi sẽ vui sướng cực kỳ ra sao, nhìn thấy người chị họ trong sáng đơn giản nhưng yếu đuối – Thành Lộ – định làm gì. Tại sao chị ấy bước ra cửa ngôi nhà gỗ lúc nửa đêm? Tại sao lại đứng ngây nhìn cảnh gió tuyết vô tận trong đêm tối? Rồi chị bỗng biến mất. Khi xuất hiện thì lại là Hân Nghi. Hân Nghi ôm lấy tôi, lay tôi một cách tuyệt vọng như lay một cái xác không còn sinh khí, Na Lan, tỉnh lại đi! Tôi bừng tỉnh. Đối diện với tôi là Hân Nghi đang nước mắt giàn giụa. Trong những ngày u ám Hân Nghi luôn rực rỡ như ánh dương, nếu cô ấy bỗng đầm đìa nước mắt thì có lẽ thế giới này sắp bị hủy diệt đến nơi. Đầu tôi vẫn nặng chịch, vẫn nhoi nhói đau âm ỷ, tôi hỏi: “Sao? Hân Nghi sao thế?” Ngoài cửa sổ là tờ mờ sáng, hay là xâm xẩm tối, không rõ nữa. “Thành Lộ…” Hân Nghi nghẹn ngào không nói được nữa. Cô ấy mặc áo ngủ, đầu bù tóc rối, rõ ràng là vừa ngủ dậy. Tôi hoảng loạn: “Thành Lộ làm sao?” “Mất tích, Thành Lộ mất tích!” Nhức đầu kinh khủng. Thành Lộ, mất tích? Trong đầu tôi vụt hiện lên ba chữ: La Lập Phàm. Chương 12: Thành Lộ Ở Đâu? Tôi hiểu tính Thành Lộ, khi trời đang như thế này, chị ấy không một mình ra ngoài tìm đường xuống núi, và càng không có hứng tập luyện gì đó trên tuyết. Không thấy chị đâu nữa, thì đúng là mất tích thật. Giống như tôi mơ thấy chị biến mất không để lại chút dấu vết. Tôi loạng choạng bước đến phòng Thành Lộ và La Lập Phàm. Khi bước đi hơn hai chục bước, tôi dần hiểu ra mình đã ngủ mê mệt gần một ngày trời. Hình như ngôi nhà này có một sức mạnh ma quỷ gì đó đã biến đổi mọi người. Nếu tôi cứ tiếp tục nhức đầu, nếu tôi vẫn không ngừng ngủ lịm đi cùng các cơn ác mộng thì tôi sẽ hóa điên, là chuyện tất nhiên. Biết đâu đây là khởi đầu của một thứ bệnh thần kinh? Trong phòng của vợ chồng La Lập Phàm đang có mặt đông đủ mọi người. La Lập Phàm ngồi ở mép giường, sau một ngày tôi không thấy anh, hình như anh đã già đi hai chục tuổi, hệt như một vị trung niên. Cặp lông mày rậm đang nhíu lại, các nếp nhăn hằn sâu trên trán. Ánh mắt anh đờ đẫn lạ thường, ánh mắt ấy vốn rất sắc sảo ai cũng phải công nhận, để rồi ngày nay anh có sự nghiệp “huy hoàng” và Thành Lộ thì bất hạnh. Anh hơi cúi đầu, vẻ tự tin mọi ngày dường như đã tan biến ngoài trời tuyết kia. Mặt anh xám như tro, chẳng khác gì đang cận kề cái chết. Có phải tại căn nhà u ám này đang không có ánh đèn? Tôi rất nghi ngờ, định căn vặn anh “Lẽ nào anh mặc cả áo quần đi ngủ? Sao sau một đêm anh vẫn đóng bộ như lúc ban ngày?” Tôi nhận ra đế đôi ủng của anh bị ướt, chắc chắn anh vừa ra ngoài. Cốc Y Dương ngồi bên cạnh anh cũng mặc áo khoác, đế ủng cũng ướt; tôi đoán cả hai anh đều vừa ra ngoài đi