Năm 1947, bỏ lại Sashikichi để lên Tokyo, Shizuko bị ngã quỵ bởi một cơn đau đầu đột ngột và được đưa đến bệnh viện, ở đó người ta giới thiệu cô với Ikuma Heihachiro, phó giáo sư Khoa Thần kinh học Đại học T. Ikuma Heihachiro đang cố gắng đi tìm một lời giải khoa học cho hiện tượng thôi miên nên khi phát hiện ra khả năng thấu thị ở Shizuko, anh ta đã tỏ ra vô cùng hứng thú. Sự kiện này đã làm thay đổi cả đề tài nghiên cứu của Ikuma. Kể từ đấy, Ikuma Heihachiro lao đầu vào những khảo cứu liên quan đến siêu năng lực mà Shizuko chính là đối tượng thí nghiệm. Tuy nhiên, hai người đã vượt qua mối quan hệ đơn thuần và, mặc dù đã có vợ con, Ikuma vẫn đem lòng yêu Shizuko. Cuối năm ấy, mang trong mình đứa con của Ikuma, Shizuko trở về Sashikichi để trốn chạy ánh mắt người đời và sinh ra Yamamura Sadako. Shizuko gửi lại Sadako ở Sashikichi rồi lập tức lên Tokyo, nhưng ba năm sau đó cô lại trở về để đem đứa bé đi. Nghe đâu, suốt từ đó cho đến khi nhảy xuống miệng núi lửa Mihara tự vẫn, Shizuko luôn để con gái bên mình mà không rời nửa bước. Thế rồi vào những năm năm mươi, sự kết đôi giữa Ikuma Heihachiro và Yamamura Sadako đã gây xôn xao lớn trên các tờ báo và tạp chí. Lý do là vì những căn cứ khoa học về siêu năng lực của họ bỗng nhiên trở thành tiêu điểm của xã hội. Ban đầu, có lẽ do bị huyễn hoặc bởi vị trí phó giáo sư đại học T. của Ikuma Heihachiro mà hầu hết dư luận đều tin vào năng lực siêu nhiên của Shizuko. Lựa chiều gió, giới truyền thông cũng tuôn ra những lời lẽ đầy thiện chí. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều những ý kiến phê phán, coi đó là trò bịp bợm, và chỉ bằng một lời phát biểu nhận xét rằng “điều này rất đáng ngờ” của một nhóm học giả uy tín hơn thế là phần lớn các báo bắt đầu ngả sang hướng đầy bất lợi cho Ikuma Heihachiro và Yamamura Shizuko. Những thứ mà Shizuko thực hiện được chủ yếu là khả năng ngoại cảm, bao gồm chụp ảnh bằng ý nghĩ, thấu thị, tiên tri; trên thực tế cô chưa bao giờ bộc lộ khả năng viễn khiển, tức là phép di chuyển các vật mà không cần chạm vào chúng. Một số tờ tạp chí thì khẳng định, Shizuko có thể in được những hình vẽ theo đúng yêu cầu lên tấm phim đã niêm phong cẩn mật chỉ bằng cách áp nó lên trán, và cũng như vậy, cô có thể đoán bách phát bách trúng những thứ nằm trong một chiếc phong bì dán kín. Trong khi đó, một số tờ tạp chí khác lại cho rằng, Shizuko chẳng qua chỉ là một kẻ lừa đảo, những nhà ảo thuật dày công luyện tập một chút cũng có thể làm được điều tương tự dễ như trở bàn tay. Cứ như thế, dư luận dần tỏ ra lạnh nhạt với Shizuko và Ikuma Heihachiro. Giữa khi ấy, bất hạnh bỗng đổ ập lên đầu Shizuko. Năm 1954, Shizuko sinh đứa bé thứ hai, đó là một thằng con trai, nhưng sau khi chào đời bốn tháng nó bị bệnh chết. Lúc ấy Sadako lên bảy và nghe đâu cô đã dành cho cậu em mới đẻ của mình một tình yêu đặt biệt. Một năm sau, năm 1955, Ikuma Heihachiro quyết định khiêu chiến với báo chí bằng cách biểu diễn khả năng đặc biệt của Shizuko trước công chúng. Ban đầu Shizuko không bằng lòng. Cô sợ thất bại vì ở giữa đám đông cô không thể tập trung tinh thần theo ý muốn. Nhưng Ikuma không nhượng bộ. Anh ta không thể chịu đựng được chuyện bị báo giới gọi là kẻ lừa đảo mãi và cho rằng cách duy nhất để khiến thiên hạ sáng mắt ra là cho họ thấy những bằng chứng rõ ràng. Ngày hôm đó, mặc dù không thoải mái, Shizuko vẫn bước lên bục thí nghiệm giữa sự chứng kiến của gần một trăm phóng viên và học giả. Một phần cũng bởi sự suy sụp về tinh thần kể từ sau khi mất đi đứa con trai, Shizuko không ở vào trạng thái sung mãn nhất. Phương pháp thí nghiệm dự kiến rất đơn giản. Cô chỉ phải đoán số chấm của hai con xúc xắc trong một vật đựng bằng chì. Nhưng Shizuko đọc thấy trong ý nghĩ của toàn bộ một trăm con người đang vây quanh mình rằng, họ chờ đợi sự thất bại của cô. Shizuko run rẩy, cô quỳ sụp xuống sàn và hét lên đau đớn: “Thôi đi!” Shizuko thanh minh: “Con người, ai cũng có một năng lượng ý nghĩ nhất định. Tôi hơn người chỉ ở năng lượng ấy. Nhưng giữa một trăm ý nghĩ muốn tôi thất bại, dòng năng lượng ấy của tôi sẽ bị cản trở và tôi không thể phát huy được khả năng của mình.” Ikuma Heihachiro nói tiếp: “Không. Không chỉ có một trăm người mà toàn thể dân Nhật đang muốn giày xéo lên thành quả nghiên cứu của tôi. Dư luận sẽ ngả theo những gì báo chí đồn thổi, và khi ấy, báo chí các người sẽ chẳng bao giờ nói ra những gì khác với điều mà dân chúng đang mong đợi. Các người thật đáng xấu hổ!” Rốt cuộc, màn thí nghiệm công khai khả năng thấu thị đã khép lại bằng những lời mạt sát báo giới của Ikuma Heihachiro. Giới truyền thông nhìn nhận những lời thịnh nộ của Ikuma Heihachiro như một cách mà anh ta muốn dựng lên để đổ tội cho kẻ thù của mình là báo chí về thất