kỹ hơn, nhưng hiện tại thì không. Tóm lại, vấn đề không ở chỗ chúng đã nghỉ lại đây, mà ở chỗ chúng đã làm một điều gì đó. … Vậy thì chúng đã làm những gì? Rồi Asakawa thay đổi một chút cách đặt vấn đề. … Không, mà là điều mà chúng có thể làm được trong căn nhà này là gì?Cả toilet, buồng tắm, tủ hốc và tủ lạnh đều không có dấu vết. Giả sử rằng chúng có để lại dấu vết đi chăng nữa thì chắc người quản lý gã gặp ban nãy đã dọn đi mất rồi. Nếu vậy, thay vì ngồi đây thong thả uống whisky, gã nên đi gặp người quản lý thì sẽ được việc hơn. Cốc thứ nhất đã cạn. Cốc thứ hai gã chỉ rót một ít. Gã không muốn bị say mèm. Gã pha thật nhiều nước, lần này là nước máy. Có vẻ như giác quan cảnh báo nguy hiểm của gã đã phần nào tê liệt. Tự trách mình ngu xuẩn vì đã đến đây, Asakawa gỡ kính, vớt nước rửa mặt và nhìn mình trong gương. Gã nhìn thấy một khuôn mặt bệnh hoạn. Hay là gã nhiễm virus rồi? Gã nốc cạn cốc rượu vừa pha rồi rót thêm cốc nữa. Trở vào từ phòng ăn, Asakawa phát hiện ra một quyển sổ trên chiếc kệ dưới máy điện thoại.Kỷ niệm những chuyến đi, đó là dòng chữ trên bìa. Gã lật giở. Chủ nhật, mùng 7 tháng Tư Nonko sẽ chẳng bao giờ quên ngày hôm nay. Tại sao à? B-í-m-ậ-t. Yuichi thật tuyệt vời, hihi NONKO Loại sổ kiểu này thường hay thấy xuất hiện trong các nhà nghỉ rẻ tiền để khách có thể ghi lại những kỷ niệm hay cảm tưởng của mình về chuyến đi. Trang tiếp theo là một bức vẽ chân dung bố mẹ, nét vẽ hơi nguệch ngoạc, có lẽ là của một cậu bé đi nghỉ cùng gia đình. Bức tranh đề ngày 14 tháng Tư, nghĩa là vào thứ Bảy. bố béo phì này mẹ béo phì này vì thế con cũng béo phì ngày mười bốn tháng bốn Asakawa giở tiếp. Có một trang nào đó ở phía dưới cứ chực kênh lên, nhưng gã vẫn tuần tự lật giở từng tờ. Gã sợ nếu không xem hết gã sẽ bỏ sót điều gì đó. Có thể thấy khách thường đến đây nghỉ vào các thứ Bảy trước dịp nghỉ hè, tuy nhiên gã không dám chắc vì tất nhiên, có nhiều khách hàng chẳng viết gì. Vào hè, khoảng cách giữa các ngày ghi trong sổ cũng thu hẹp dần, càng về cuối tháng Tám càng có nhiều lời than thở vì mùa hè sắp đi qua. Chủ nhật, ngày 20 tháng Tám Ôi, thế là hết hè. Chả có gì thú vị. Có ai giúp tôi không? Có ai cứu vớt kẻ đau buồn khốn khổ này không? Tôi sở hữu một xe máy 400cc. Đẹp trai bất ngờ. Hàng tốt giá rẻ đây. A.Y Chẳng khác nào một đoạn quảng cáo tìm bạn tầm thư. Đại loại, các ý tưởng đều có điểm nào đó rất chung. Kẻ đi cùng bạn tình thì muốn chia sẻ kỷ niệm đó với người khác, còn kẻ đơn độc một mình thì bày tỏ ước muốn có người làm bạn. Nhưng gã đọc mãi mà không thấy chán. Kim giờ của chiếc đồng hồ cuối cùng cũng chỉ đến con số chín. Trang tiếp theo. Thứ Năm, ngày 30 tháng Tám Hù! Ta báo trước. Những kẻ yếu tim chớ nên xem cái này. Sẽ hối hận đấy. Khà khà khà.. S.I Chỉ có vậy. Ba mươi tháng Tám là buổi sáng đêm bốn đứa trẻ ngủ lại đây. Còn S.I hẳn là tên viết tắt của Iwata Shuichi. Trong số những lời lẽ ghi ở đây, chỉ có trang này là khác. Như thế nghĩa là sao? “Chớ nên xem lại cái này?” Vậy cái này rốt cuộc là gì? Asakawa gấp sổ lại rồi nhìn sang bên mép. Có một nếp gấp kênh lên thành khe hở nhỏ. Asakawa thò ngón tay vào và mở ra… “Hù! Ta báo trước. Những kẻ yếu tim chớ nên xem cái này. Sẽ hối hận đấy. Khà khà khà. S.I.”, dòng chữ ấy đập vào mắt gã. Tại sao luôn có một lực khiến cho nó tự mở ra? Rất có thể bọn trẻ đã chặn một vật gì đó lên trên, Asakawa suy luận. Và do đã thành nếp, nên lúc nào nó cũng chực mở ra. Và vật mà bọn chúng dùng để đặt lên trên ấy không phải cái gì khác mà chính là cái này. Asakawa tìm kiếm xung quanh, rồi lục lọi mọi ngóc ngách của chiếc kệ để điện thoại. Không có gì. Đến cả một cây bút chì cũng không thấy. Asakawa quay lại ghế sofa và giở tiếp. Ngày sau đó là Chủ nhật, mùng 1 tháng Chín. Không có nội dung gì đặc biệt nên khó đoán được nhóm sinh viên nghỉ lại ngày hôm đấy có xem cái này hay không. Những trang tiếp theo cũng không thấy có bút lục nào liên quan tới cái này, mặc cho gã đã tìm rất kỹ. Asakawa gấp cuốn sổ lại và châm thuốc. Nội dung của cái này nhất định phải rất đáng sợ nếu căn cứ vào dòng chữ “Những kẻ yếu tim chớ nên xem cái này”. Gã mở một trang bất kỳ trong cuốn sổ rồi đè nhẹ tay lên. Cần phải có một vật-gì-đó đủ nặng để thắng được lực gấp của giấy. Nếu chỉ là một hoặc hai bức ảnh ma thì không thể có được sức nặng ấy. Hay là một cuốn tạp chí, hoặc một cuốn sách? Dù gì thì cũng là một thứ cần phải xem. Có lẽ mình nên đi hỏi người quản lý xem ông ta có tìm thấy thứ gì mà khách để lại trong phòng vào ngày 30 tháng Tám không, Asakawa nghĩ. Liệu ông ta còn nhớ hay không? Nếu là một thứ gì đó khác thường và gây ấn tượng mạnh thì ắt hẳn ông ta phải nhớ. Bất chợt, một chiếc đầu quay băng đập vào mắt gã lúc gã định đứng lên. Ti vi vẫn đang bật, trên màn hình là cảnh một nữ diễn viên nổi tiếng đang ôm máy hút bụi và chạy theo chồng. Có vẻ như một đoạn quảng cáo đồ điện gia dụng. … Đúng vậy, nếu là một cuộn băng thì vừa đủ nặng. Vẫn ngồi yên, Asakawa dập thuốc. Bộ sưu tập băng video mà gã thấy trong phòng quản lý khi nãy vụt hiện lên trong đầu. Rất có thể bọn chúng tình cờ xem được một bộ phim kinh dị đáng sợ nào đó và muốn giới thiệu cho những người khác cùng xem. Nếu chỉ có vậy… khoan đã, nếu chỉ có vậy tại sao Iwata Shuichi không viết rõ tên của bộ phim? Không ai lại dùng một danh từ chung kiểu như cái này để nói về một bộ phim cụ thể nào đó, như Thứ Sáu ngày 13 chẳng hạn. Và hơn nữa, đâu cần phải đặt cái này lên trên quyển sổ. “Cái này” hẳn là thứ-gì-đó không có tên riêng mà bắt buộc phải gọi bằng cái này. … Hướng này liệu có đáng để lần theo không? Không một mảy may manh mối, vậy thì có mất gì đâu nếu cứ thử triển khai giả thiết ấy, còn hơn là ngồi nghĩ ngợi ở đây. Asakawa bước ra ngoài, xuống khỏi những bậc thềm bằng đá và đẩy cửa phòng người quản lý. Cũng giống như lúc trước, không có bóng dáng của người quản lý ở sau quầy, chỉ có tiếng ti vi vọng ra từ bên trong. Có lẽ, người đàn ông này sau khi nghỉ việc ở một công ty ngoài thành phố, muốn sống nốt phần đời còn lại giữa chốn thiên nhiên nên đã chọn công việc làm người quản lý ở một khu nghỉ dưỡng, nhưng công việc thực sự quá buồn tẻ khiến ông ấy chỉ còn biết tìm vui trong những cuốn băng video… Đấy là cách giải thích của Asakawa về cảnh ngộ của người quản lý. Người quản lý lồm cồm bò dậy ló mặt ra trước khi gã kịp cất tiếng gọi. Asakawa nói như thanh minh. – Buồn quá nên định xuống mượn bác một cuốn băng về xem. Người quản lý mừng rỡ nhe răng cười. – Anh cứ chọn tuỳ thích… Mỗi cuốn ba trăm yên. Asakawa lựa tìm những tên phim kinh dị. Ngôi nhà địa ngục, Nỗi sợ màu đen, Thày phù thuỷ (The Exorcist: tên một bộ phim kinh dị Mỹ được dựng theo tiểu thuyết cùng tên của William Peter Blatty do William Friedkin làm đạo diễn), Điềm xấu (The Omen: loạt phim kinh dị Mỹ được dựng theo tiểu thuyết cùng tên của David Seltzer do Richard Donner làm đạo diễn)… toàn những phim gã đã xem hồi còn đi học. Chắc chắn còn có bộ phim đáng sợ mà gã chưa hề biết kia. Gã đưa mắt một l