Tôi nghe Điền Mộ Thanh đọc tới đây thì nghĩ, đó chính là nơi mà lão Nghĩa mù nói tới. Năm xưa khi Đả thần tiên Dương Phương cùng Thống lĩnh quân phiệt Đồ Hắc Hổ rơi vào động cát, bản lĩnh như Thôi lão đạo cũng không biết lai lịch của con cá và ngôi điện đó, giờ chuyện cũ tan như mây khói, người thì đã hóa thành cát bụi từ lâu, tôi có biết thì cũng đâu có tác dụng gì.
Mất tập trung một lúc khiến tôi bỏ lỡ mất một đoạn, nghe Điền Mộ Thanh kể tiếp đoạn sau. Dị Nhân đại nạn không chết, đã thoát ra được từ cơn nước lũ, một mình quay lại núi Hùng Nhĩ ở Dự Tây. Ngờ đâu, sau cơn hồng thủy, trong vòng bán kính một trăm cây số không một bóng người, đừng nói tới lương thực, ngay cả rễ cây, vỏ cây cũng không đào đâu ra. Đành chịu đói đi một đoạn đường dài, chuyện kể cũng thật trùng hợp, đang đi bỗng anh ta nhìn thấy một cục thịt to nằm chình ình giữa đường, cục thịt hình tròn dài trắng nõn, chạm vào hình như nó còn động đậy. Anh ta cũng không biết đó là thứ gì, cứ nghĩ là thịt Tê hay Thái Tuế gì đó, vì lúc đó đã đói mờ mắt rồi nên đừng nói đó là thịt gì, cho dù là thịt người thì cũng dám ăn, nên lúc đó đã ăn luôn cục thịt giữa đường này.
Phùng Dị Nhân sống sót trở về, cũng không nói gì với dân làng về việc kia, cũng không ai phát hiện ra điều gì khác thường. Nhưng Na vương đã thay hết đời này sang đời khác, người dân trong làng có người chết, có trẻ em mới sinh ra, duy có anh ta là vẫn vậy, mấy chục năm trời qua đi vẫn không già không chết.
Trên đời này làm gì có bức tường nào chắn được gió, chuyện rồi cũng vỡ lở, đầu làng cuối xóm đang truyền nhau chuyện Phùng Dị Nhân ăn thịt tiên, nên trường sinh bất lão, sắp đắc đạo thành tiên rồi. Nhưng từ sau khi trở về làng thì hành tung của anh ta rất lạ, mỗi lần dân làng tổ chức bắt ma thì anh ta trốn biệt, không bao giờ để cho mọi người nhìn thấy phần lưng của mình, trong làng thường xuyên có người bị mất tích.
Sau đó các vị trưởng lão của Na giáo phát hiện ra Phùng Dị Nhân năm nọ bên bờ sông Hoàng Hà không phải ăn thịt tiên mà là ăn trứng của loài nhện đất. Loại nhện này chỉ có sáu chân, không nằm trong năm loại côn trùng thường gặp. Không có thứ gì là chúng không cắn nát được, Phùng Dị Nhân ăn phải số trứng đó không biết đã được chôn dưới đất bao nhiêu năm, hút được long khí trong lòng đất và hắc đạo, có linh hồn có ý thức, thân thể bất diệt, được gọi là rồng đất. Nghe nói nó được chôn dưới sông từ khi nước sông Hoàng Hà vẫn còn trong suốt. Mọi người đều biết, nước sông Hoàng Hà đỏ đục phù sa, đã ai từng nhìn thấy nước sông trong suốt bao giờ chưa? Vậy mà nó đã từng thấy, thế cũng đủ biết là lâu đời như thế nào. Rồng đất vốn ưa ngủ, không ngờ bị trận đại hồng thủy hất tung ra bên ngoài, vẫn còn đang nửa mê nửa tỉnh thì đã bị Phùng Dị Nhân nhìn nhầm là thịt rồi chén sạch. Hậu quả là anh ta như trúng phải lời nguyền, mãi không già không chết, đó là bởi nguyên khí của rồng đất đang dần chiếm dụng thân xác của anh ta. Phía sau đầu Phùng Dị Nhân mọc ra một khuôn mặt nữa, miệng rộng tới mang tai. Hút máu ăn thịt người, những người dân trong làng bị mất tích là đều do hắn ăn thịt.
Tôi nghe tới đây chợt nhớ tới rồng đất trong Thông Thiên Lĩnh, nhưng hai con vật này hoàn toàn không giống nhau chẳng qua chỉ chung tên gọi mà thôi.
Điền Mộ Thanh lại đọc tới đoạn sau của tấm bia. Na vương nhân lúc rồng đất ngủ say đã sai người bắt Phùng Dị Nhân mổ bụng rút ruột, ngờ đâu trong bụng Phùng Dị Nhân lổn nhổn toàn là nhện đất, chúng bò ra ngoài và cắn chết vô số người dân. Oan hồn của rồng đất mãi không siêu thoát được, đã nhập vào thân xác Phùng Dị Nhân tác quái, nơi nào hắn đi qua thì không có người và vật nào có thể sống sót. Dân làng Thiên Cổ Dị Đế không có cách nào đối phó với con yêu quái này, đành phải quỳ lạy nhận lỗi đã làm hỏng thân xác của quân vương, nay xin dùng chiếc áo ngọc và tượng vàng tổ chức hậu táng tại Huyền Sơn cung, những vật báu của Na giáo như vương miện vàng Lộc thủ bộ dao quan, cốc mã não đầu thú, gối âm dương, đai ngọc hoa văn hình rắn và mây, gậy sừng tê giác, gương đồng đúc hình chim thần, thanh Yểm Nhật kiếm của Việt vương… đều được tùy táng trong địa cung. Trong đó vương miện vàng, đai ngọc, gương đồng là đồ của phụ nữ âm khí quá nặng nên kèm theo thanh trượng bằng sừng tê giác, thanh bảo kiếm của Việt vương, gối âm dương, cốc mã não tùy táng cùng. Ngoài ra, Na vương còn cho xây dựng miếu thờ, mỗi năm dùng trâu đen, ngựa bạch, đồng nam đồng nữ cúng tế. Có vậy mới đem được thi thể Phùng Dị Nhân liệm vào quan tài, đặt trong địa cung dành cho các Na vương. Dòng cuối cùng của tấm bia viết “Lập bia tại đây, báo cho con cháu đời sau không được dừng cúng tế, không được vào địa cung. Đường Vĩnh Huy năm thứ ba”.
Mặt dày đang nghe say sưa, thấy Điền Mộ Thanh không đọc nữa liền hỏi: “Thật là ly kỳ, tiếp theo thế nào?”
Điền Mộ Thanh nói: “Văn bia chỉ nói tới đó thôi, đoạn sau hết rồi…”
Tôi nói: “Cuối cùng cũng biết được gian chính diện trong hầm mộ là ai. Đường Vĩnh Huy năm thứ ba, vậy là tấm bia được lập thời Đường Thái Tông đang tại vị, đáng lẽ ra nên bắt rồng đất… Tôi có cảm giác Phùng Dị Nhân sau khi ăn phải trứng rồng đất rồi thì chỉ còn cái xác không hồn. Nên sau khi đã nhốt được thi thể của rồng đất vào trong địa cung thì văn bia không ghi chép gì thêm, có điều chuyện này hiển nhiên là chưa kết thúc.”
Mặt dày nói: “Sợ là sợ không có kết cục, chẳng phải làm người ta sốt ruột chết.”
Tôi nghĩ một lúc rồi nói: “Na vương chắc chắn là đang chờ đợi cơ hội để đưa âm hồn trong địa cung tới hố tế lễ phía cuối thôn, khiến nó không còn cơ hội quay trở lại, nhưng nửa chừng chắc có sự kiện gì đó, đoạn sau thì tôi không thể đoán được.”
4
Điền Mộ Thanh nói với tôi và Mặt dày, có thể cô biết trong thôn Thiên Cổ Dị Đế sau đó đã xảy ra chuyện gì.
Tới lúc này, tôi cũng không còn lạ lẫm và kinh ngạc nữa, trông thấy cô nàng lục lọi tìm tòi trí nhớ, dường như có nhớ lại được chút ít, tôi nói: “Cô đừng vội, nhớ được bao nhiêu thì nhớ.”
Điền Mộ Thanh gật đầu, cô hồi tưởng lại một lúc rồi nói: “Rồng đất trúng kế hoãn binh, bị nhốt tới thời Đường Thiên Bảo năm thứ nhất thì gặp năm có thiên cẩu ăn mặt trăng, trong thôn lại tổ chức nghi lễ bắt ma, chuẩn bị đưa âm hồn bất tán của rồng đất về Đất quỷ, nhưng nghi lễ động Na tống quỷ rất nguy hiểm, chỉ cần có chút sơ suất thì toàn bộ cả thôn làng đều gặp họa. Đúng là ghét của nào trờ