Trong tấm bản đồ vẽ hình một cái hồ hai đầu hẹp ở giữa rộng, phía tây giáp với núi Kê Lung, phía đông giáp núi Thông Mã, phía bắc kề với Thảo Hài Lĩnh, ở thế ba phía đều là núi, chính giữa là hồ Tiên Đôn, nằm trong dãy núi Hùng Nhĩ ở Dự Tây. Trên mặt hồ có đánh dấu khoanh tròn màu đỏ, đó chính là vị trí ngôi mộ cổ địa cung được xây dựng trong núi Tiềm Sơn, ngọn núi đó vốn là một trong những ngọn núi của dải núi trải dài liên miên của vùng này, nghìn năm trôi qua, vì thay đổi địa chất khiến ngôi mộ nằm trong lòng hồ trong khu vực núi Dự Tây ít người biết đến, không có đường đi, phải trèo đèo vượt núi mới có thể tới được.
Tôi vốn bị ám ảnh bởi cơn ác mộng trong ngôi mộ cổ thời Liêu nên sắc mặt ngày một kém hơn, trong lòng biết chắc ngôi mộ này có gì đó rất cổ quái, quan ngọc tượng vàng vốn là những thứ hiếm có trên đời, địa cung xuất hiện trong cơn ác mộng được vẽ trên bích họa tám chín phần là nói về ngôi mộ cổ ở núi Hùng Nhĩ rồi. Tôi nghĩ gần đây chúng tôi đang gặp vận xui, họa vô đơn chí phúc bất trùng lai, các cụ đã nói vậy rồi, nhưng đã là phúc thì không phải hoạ, là họa cũng không tránh được. Không tới hầm mộ đó để tìm hiểu cho ra nhẽ thì có nghĩ nát óc cũng chẳng ích gì, cuối cùng tôi quay sang bàn bạc với hai người kia.
Tôi nói: “Có được một sự khởi đầu may mắn thì chúng ta đã thành công một nửa. Lần này đi Dự Tây khác hẳn với lần trước, cần phải chuẩn bị thật kỹ càng.”
Điếu Bát nói: “Cậu nói đúng ý anh, theo cậu chúng ta cần chuẩn bị những gì?”
Không đợi tôi cất lời, Mặt dày đã nói: “Còn phải hỏi, đầu tiên phải chuẩn bị đủ tiền, binh mã chưa có nhưng lương thảo phải chuẩn bị sẵn, lương thảo chẳng phải dùng tiền mua sao?”
Điếu bát nói: “Anh em mình giờ sống như buôn đồng nát, tiết kiệm chút đi, thế là cũng đủ rồi, còn chuẩn bị gì nữa?”
Tôi nói: “Đèn pin, lương khô, xẻng… những thứ này đều phải chuẩn bị, mộ cổ trên núi Hùng Nhĩ chìm trong nước nhiều năm, cho dù có lộ lên khỏi mặt nước nhưng bùn đất cũng không ít, không phải một hai hôm mà đào xong ngay được, hơn nữa chúng ta chưa hề biết gì về ngôi mộ, cũng như về hồ Tiên Đôn, thậm chí mộ đó chôn ai chúng ta cũng không biết.”
Điếu bát nói: “Ngôi mộ đó không phải do chúng ta nghĩ ra, sơ đồ do Âm Dương đoan công Chu Ngộ Cát để lại chắc không đến nỗi là giả. Lấy ví dụ, nếu qua đập Tam Hiệp đi về phía Tây, là đến bến phà Phong Lăng, thường những địa danh nào có chữ Lăng thì đều có mộ cổ hết, chỉ vì niên đại quá lâu nên nhiều người không nói rõ được nguồn gốc của cái tên đó mà thôi, bến Phong Lăng chính là nơi có mộ cổ.” Anh ta dừng lại một chút rồi lại tiếp: “Ý của tôi là có thể lai lịch của vị vua chôn trên núi Hùng Nhĩ đã thất truyền, nhưng ngôi mộ thì vẫn còn tồn tại dưới hồ Tiên Đôn, truyền thuyết để lại cũng không ít, dưới hầm mộ có tượng vàng tùy táng, ắt không thể sai được.”
Ba chúng tôi mỗi người một câu, bàn bạc với nhau trong quán lẩu từ trưa cho tới tối, không biết chủ quán phải thay bao nhiêu lần than. Tới khi trời đã tối hẳn, ngoài đường không còn ai, ông chủ quán cũng mất hết nhẫn nại: “Mấy người cũng giỏi buôn chuyện quá đi, nếu biết mấy người có cái tài này thì lúc đàm phán Trung – Anh đã đề cử mấy người đi rồi, muốn qua đêm cũng đừng chọn quán tôi, mau tính tiền rồi đi đâu thì đi.”
Chúng tôi bị chủ quán đuổi ra, trong lòng không được thoải mái cho lắm, nhưng giờ không phải lúc gây chuyện phiền phức, đành quay về chia nhau chuẩn bị, đầu tiên là phải kiếm cho đủ tiền đi đường. Tôi đi một chuyến Độc Thạch Khẩu, lấy ít tiền về cho Mặt dày sắp xếp việc gia đình, còn vấn đề nữa là tuy ở đó hay nổ mìn núi đá, thuốc nổ nhiều nhưng quản lý rất nghiêm ngặt, khó lấy được thuốc nổ hoặc mìn, tôi tìm người quen mới lấy được hai khẩu súng ngắn, đó là loại súng người dân tự chế để bắn gà rừng. Tôi nghĩ núi Hùng Nhĩ không giống như Thông Thiên Lĩnh, nơi đó rừng sâu núi thẳm, thú dữ lảng vảng khắp nơi, không mang theo khẩu súng phòng thân thì không an toàn, súng tự chế của người dân Độc Thạch Khẩu bắn bằng đạn chì, sức sát thương không lớn, nhưng có còn hơn không, chúng tôi tháo súng ra xếp dưới đáy bao hành lý, để tránh bị phát hiện lúc trên tàu.
Về nhà, tôi nhận được thư của Sách Ni Nhi, trong thử gửi kèm một gói nấm mật Armillaria, tôi đang định đọc thư thì Điếu bát đã mua được vé tàu, chúng tôi ngồi tàu tới Nam Dương trước, sau đó đi theo hướng đập nước Áp Hà Khẩu để lên núi. Vì tuyến đường này ít chuyến tàu chạy nên người đi rất đông, trong tàu chen chúc chật chội, lúc tàu đi ngang cầu bắc ngang sông Hoàng Hà, tôi cố vươn người ra cửa sổ để nhìn ra ngoài, ánh chiều đã ngả về Tây, dòng sông dưới ánh nắng chiều trải dài như một chiếc đai ngọc, cảnh đẹp khó có thể miêu tả bằng lời. Trời chiều nhanh chóng chuyển sang màu ảm đạm, tối dần rồi đen hẳn một màu. Tôi lấy bức thư của Sách Ni Nhi ra đọc, mơ màng nhớ lại lúc cùng cô đi săn trong rừng, rồi không biết tự lúc nào hình ảnh bức bích họa trong ngôi mộ cổ thời Liên về cơn ác mộng nghìn năm bỗng hiện về trong đầu, một người tóc tai rũ rượi, bụng thủng lòi ruột bò ra từ trong quan tài, tay vươn về phía tôi, tôi kinh hãi vô cùng, vội giơ tay lên đỡ, mu bàn tay chạm vào móng của con ma đó, cảm thấy một luồng gió âm lạnh tới thấu xương, vừa lúc tàu vào ga, tôi thức tỉnh vì bị chúi người về phía trước do tàu phanh giảm tốc độ. Trán đẫm mồ hôi, tôi biết mình lại mơ giấc mơ đó, cúi đầu nhìn xuống tay mình thấy có những vết xước đang rỉ máu. CHƯƠNG 12 – THÀNH CỔ DƯỚI ĐÁY HỒ
1
Chuyến tàu quá tải nghiêm trọng, trong toa tàu chỗ nào cũng thấy người, thậm chí có người nằm cả trên khoang đựng hành lý, không khí ngột ngạt nồng nặc mùi người, tàu cập ga nào cũng dừng, vừa thay đầu tàu vừa thay nước. Bên ngoài trời tối như mực, đêm đã khuya, cũng chẳng biết là đang dừng lại ở ga nào, Điếu bát và Mặt dày đều ngồi bên cạnh tôi, túi hành lý kê dưới chân, một người ngủ gục đầu bên cửa sổ, chảy cả nước miếng, một người nằm rạp trên bàn ngáy như sấm, cả hai đều đang ngủ như chết. Tôi giật mình tỉnh dậy, thấy mu bàn tay có vài vết xước, trong lòng kinh hãi vô cùng, cơn ác mộng ngày một thật hơn, tôi nhớ đến khuôn mặt nhăn nheo biến dạng của nữ thi Khiết Đan, rõ ràng là nàng bị cơn ác mộng nghìn năm làm cho sợ đến chết, tôi không thể để mình cũng có kết quả như vậy được.
Nhưng tại sao cô gái người Khiết Đan khi sống cũng mơ về ngôi mộ cổ ở núi Hùng Nhĩ? Quan ngọc, tượng vàng và người chết trong bộ dạng thủng bụng lòi ruột cũng trong ngôi mộ đó sao? Chúng tôi đi Dự Tây đào trộm mộ không lẽ sẽ gặp sự cố thi biến? Tất cả những nghi vấn đó tôi không tài nào lý giải nổi, nhưng theo nội dung trong bức bích họa thì sự cố thi biến xảy ra lúc nguyệt thực, ngay tại thời điểm mặt trăng hoàn toàn bị che khuất, nghe nói gần đây không có nguyệt thực nên tôi cũng an tâm phần nào. Một lúc sau, tàu lại