g hào quang, ánh sáng vẫn liên tục chiếu sáng, nhã nhạc, âm thanh vang động cùng khắp cõi trời. Từng làn gió mát mẻ quyện theo hương thơm ngào ngạt tỏa rộng cùng khắp mọi nơi. Tôi đứng nhìn mãi, chẳng thấy ai ngó ngàng chi đến mình, cũng không hề bị cuốn hút vào các luồng ánh sáng ngũ sắc để đi sâu xuống hoặc đi lên một cõi nào đó của tầng trời, tôi đang ở cõi an nhiên tự tại vô cùng, bèn lang thang bồng bềnh xoay chuyển tâm thức về miền tục giới.Bạn không thể nào tin được hiện tượng hết sức lạ lùng xảy đến cho tôi trong tâm thức như thế này. Đó là, mỗi khi tôi nghĩ đến bất cứ nơi nào, người nào dù còn sống hay đã chết, ở trần gian hay âm giới với ước muốn chân thành tôi muốn được giáp mặt hoặc được hiện diện nơi đó, thì chỉ trong vòng một “séc-na” ngắn ngủi là tôi đã được toại nguyện tức thì, có nghĩa là, nghĩ đến ai, nơi nào hoặc những ao ước về cảm xúc, ngay lập tức, tôi cảm nhận được liền một cách rõ ràng đầy đủ và trọn vẹn hơn cả lúc thường.Như tôi đã kể cùng các bạn rằng lúc còn bình thường ở dương trần, tôi vẫn nuôi một ước vọng là được trở về thăm lại làng Cồn Tròn của tôi ở tận Bắc Việt, nơi chôn rau cắt rốn cùng những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi ấu thơ. Tôi cũng đã được về, chỉ trong khoảnh khắc. Nhưng tôi đã thất vọng não nề vì làng cũ còn, nhưng cảnh làng sau hơn bốn mươi năm dâu biển, chẳng còn chút gì là dấu tích năm xưa. Tôi đã cố gắng vận dụng tất cả tiềm thức để cố tìm lại một vài di tích, địa thế trong làng thì tôi đã làm được điều đó. Như con sông nhỏ chảy quanh trong làng ra một cái lạch lớn thì đã bị lấp bằng từ thuở nào.Bên cạnh con sông nhỏ về hướng tây bắc, có cây đa gốc bự cả chục người ôm là cơ ngơi gia phả của cha mẹ tôi hồi trước với một ngôi nhà chính năm gian, có bàn thờ Thiên Chúa ngự trị trang trọng ở giữa nhà, hai bên là những phòng ngủ có cửa sổ nhìn ra cái sân lót gạch màu đỏ khang trang, gồm một cái bể lớn chứa nước mưa mát lịm dùng để ăn uống cho cả nhà quanh năm không bao giờ cạn, có những cây cau già cao ngất ngưởng, cạnh đó, là một dãy nhà ngang nối liền nhà trên với nhà dưới gồm có bếp, nhà kho, nhà cho các anh chị gia đinh cư trú, ở trong nhà và bên ngoài khu vực đó là chuồng nuôi heo thành giống như một cái hình chữ U. Sau dãy nhà bếp là một vườn cây xum xuê hoa trái quanh năm với một hàng rào tre trúc ngập lá vàng.Chính ở hàng rào tre trúc này là thiên đường thơ ấu của anh chị em chúng tôi suốt thời kỳ thơ ấu với những giấc ngủ trưa hè êm đềm thơ mộng hoặc là chỗ trốn bắt chơi đùa, nghịch ngợm. Cũng là lối đi riêng biệt kín đáo để chốn tránh cha mẹ, do anh chị em chúng tôi tự làm lấy để có chỗ đi về nhà mỗi khi phạm lỗi, chúng tôi bị la mắng, có khi ôn bài học hay cùng ăn và ngủ chung nhau cũng chính ở nơi đây, dưới gốc cây sung thật sai trái năm nào.Phía sau nhà là cái ao mênh mông của cha tôi nuôi và dụ bắt cá vào ao trong những mùa nước lũ hàng năm từ một cánh đồng ngay đó chảy vào. Đến thời kỳ di cư vội vã, cha tôi đã thả xuống ao biết bao nhiêu lư đỉnh thau đồng mâm bạc quí giá, là những tài sản mồ hôi nước mắt của gia đình và tài kinh thương của ông thì nay cũng chẳng còn, giờ chỉ là bình địa với một nhà máy chế tạo muối từ nguồn nước biển ở cạnh trong làng mọc lên.Thậm chí đến ngôi giáo đường cổ kính với tháp cao, ngạo nghễ giữa bầu trời, nơi anh em chúng tôi và lũ trẻ trong làng leo lên đó đánh đáo bắt chim, nghe tiếng sáo diều, nay cũng đã thay đổi. Gác chuông đã bị sập từ năm nào và giáo đường thì tiêu điều hoang phế. Dân trong làng, cố nhiên, tôi không thể nào biết được một ai, thành ra xa lạ hết, chẳng bù với bốn chục năm xưa, niềm thân ái với tất cả mọi người trong làng đã trở thành một sợi dây thân tình gắn bó, không chuyện gì vui buồn sướng khổ xảy ra mà ở nhà này mà nhà kia không biết, để chia xẻ, ủi an. Bờ biển năm xưa bằng phẳng với những hàng thông chạy dài trên bãi cát trắng phau trải ngập lá thông khô sù sì, giờ bỗng mọc lên những cây cầu tân lập chạy xa ra ngoài biển dùng để tiếp nhận và chuyên chở hải sản…HỒN VỀ THĂM SÀI GÒNNgao ngán trong lòng với giấc mộng về thăm quê cũ, tôi bèn nghĩ đến một quê hương thứ hai “Sài Gòn” thì ngay lập tức tôi đã đứng giữa bùng binh của chợ Sài Gòn có công trường Quách Thị Trang. Tượng Quách Thị Trang cũ nay không còn, thay vào đó là một cái “kiosque” với đầy khẩu hiệu mang những ý nghĩ kỳ cục ở chung quanh. Không khí bụi bậm, ồn ào và ngộp thở giữa ánh nắng chói chang của mùa hạ với những cơn mưa bóng mây ào xuống bất chợt… Đường phố nhà cửa cũ kỹ tiêu điều với phần lớn là xe đạp, xe gắn máy dầu, xe hơi chen chúc nhau bò qua lấn lại, nhớp nhúa ghê hồn.Ngắm làm gì cái phố xá hỗn tạp và nghèo nàn tả tơi này. Tôi nghĩ đến con đường Trương Minh Giản khi xưa. Tìm mãi mà cũng không thấy tên đường nào như vậy, dù chính đây là cây cầu bắt ngang con lạch nước đen ao tù, nối liền Trương Minh Giản với đường Trương Minh Ký về hướng nhà thờ thánh Thomas, nhà thờ Tân Sa Châu, Lăng Gia Cả rồi đến khu phi trường. Tôi không thể nào lầm lẫn hay quên những địa điểm này được. Nhưng tên các con đường nay đã được đổi thành tên các chiến sĩ anh hùng của chế độ mới. Chính vậy mà tôi ngỡ đã bị lầm.Căn nhà lầu của gia đình tôi xưa kia nay vẫn còn đó, nhưng kiểu cách, màu sơn căn nhà cũ nay đã thay đổi hoàn toàn. Nơi đây, cha mẹ tôi đã, cách nhau khoảng 3-4 năm thở hơi cuối cùng với một nguyện vọng được trông thấy mặt tôi lần cuối, nhưng tôi đã không về trong giờ các cụ lâm chung. Cha mẹ tôi, dù đã được ơn chết lành giống như người say ngủ theo như thư từ hình ảnh mà các em tôi gởi sang Mỹ cho tôi trước đây, dù sao, lúc về trời, các cụ cũng không khỏi ngậm ngùi vì không được thấy mặt tôi lần cuối, đứa con trai mà hai cụ thương yêu và đặt nhiều kỳ vọng nhất trong gia đình.Ngay tức khắc, tôi đảo mắt đi tìm hình bóng hai cụ trong âm giới, nhưng nào thấy đâu. Tôi định bụng sẽ đi kiếm vị phán quan giữ sổ thiên tào để tìm ra cha mẹ sau khi thăm viếng gia đình các em các cháu của tôi.Tôi liên tưởng ngay đến phía trong căn nhà thì thấy cô em gái của tôi, nay đã là một bà già thật sự với số tuổi trên 40 một vài năm gì đó, đang ngồi trên võng với một đứa trẻ còn phải ẵm trên tay. Tôi biết đứa trẻ này là cháu nội của Thư, cô em gái ngang ngược của chúng tôi ngày nào…Cô Thư với đứa cháu nội, con của thằng cháu Thăng (con trai trưởng vợ chồng Thư) kháu khỉnh và đẹp như thiên thần đang đong đưa à ơi trên võng. Còn chồng của Thư, chú Thịnh thì đang mải miết với cái tiệm làm xe đạp ở gần khu Lữ Gia Phú Thọ. Chú Thịnh, lúc này trông cũng tươi tốt với cái hàm râu quai nón, đang “điều binh khiển tướng” trong phân xưởng chế tạo của mình. Thằng cháu Thăng thì giờ đây đã là một ông kỹ sư chuyên môn về trồng trọt. Vợ nó, một cô gái tuổi ngoài hai mươi cũng khá xinh đẹp và trẻ trung, cũng đang tíu tít bận rộn trong một ngân hàng.Còn chú Khoa, em trai kế của tôi, có vợ đã sang Mỹ với tôi, đi cùng tàu với hai đứa cháu trai là con chung của Khoa, nhưng nay vợ Khoa đã bỏ nó đi lấy chồng khác người Hawaii, bỏ Khoa ở lại Việt Nam. Khoa cũng đã lấy một cô gái trẻ đẹp từ Hànội vào Nam. Hai vợ chồng Khoa xem ra cũng hạnh phúc, công